Mùa hè ban tặng cho chúng ta những loại quả nhiệt đới vừa ngon, mát lại chứa nhiều dưỡng chất cho cơ thể. Có thể kể đến như xoài, dưa hấu, bơ, đu đủ,… Nhưng còn một loại quả nữa, dù biết rằng nó mang tính nóng, nhưng chúng ta vẫn “Vì yêu cứ đâm đầu”. Loại quả được làm thành phần chính của món sữa chua mít nổi tiếng. Không ai khác chính là Mít. Vậy thực hư câu chuyện “Ăn mít có nổi mụn không?” ra sao? Hãy cùng đi tìm câu trả lời ngay trong bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Ăn mít có nổi mụn không?
Không phải ai ăn mít cũng sẽ nổi mụn
Nhiều người cho rằng mít là loại quả mang tính nóng, không thích hợp để ăn nếu như bạn đang lo ngại những tình trạng về da do mụn. Tuy nhiên, đây không hoàn toàn là một quan niệm đúng đắn.
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia: “Không có loại quả chín nào là nóng cả, ngay cả như mít, xoài, vải, nhãn… mà chỉ có các loại quả có hàm lượng đường cao”.
PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội) cũng đưa ra nhận định tương tự, khẳng định “Hoa quả thì không có khái niệm nóng lạnh, không phải trái cây có nhiệt độ cao, cho vào miệng là có cảm giác nóng mà loại quả này chứa rất nhiều đường. Khi ăn vào cơ thể thì đường nhanh chóng đi vào máu và biến thành năng lượng, từ đó sinh ra nhiệt, làm cho người ăn cảm thấy nóng bức.” Vậy có thể nói, mít KHÔNG trực tiếp gây ra hiện tượng nổi mụn đối với người cơ địa sức khỏe bình thường. Các trường hợp cơ địa dễ bị rôm, mụn nhọt hay nóng trong khi ăn mít sẽ dễ lên mụn hơn vì lượng đường dồi dào của mít khi đi vào cơ thể và tạo ra nhiệt.
Vì vậy chỉ nếu ăn trong hàm lượng nhất định thì mít sẽ không gây nổi mụn cho bạn.
2. Ăn hạt mít có nổi mụn không?
Không giống như phần thịt mít mang nhiều đường, hạt mít trên thực tế lại chứa khá nhiều thành phần dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.
Điển hình, cứ mỗi hạt mít (khoảng 28g) thì chứa các dinh dưỡng sau:
- Calo: 53 calo.
- Carbs: 11g.
- Protein: 2g.
- Chất xơ: 0,5g.
- Vitamin B: riboflavin 8% RDI (lượng tiêu thụ hàng ngày tham khảo) và thiamine 7% RDI
- Magiê: 5% RDI
- Photpho: 4% RDI
Có thể thấy, mít có chứa một nồng độ cao hai loại Vitamin nhóm B (Thiamine và Riboflavin). Điều đó giúp cho cơ thể có nhiều năng lượng để thực hiện các hoạt động quan trọng diễn ra ở môi trường trong cơ thể. Đồng thời, hạt mít cũng có chứa một lượng tinh bột kháng và chất xơ đáng kể. Những dưỡng chất này hỗ trợ quá trình kiểm soát cơn đói, cải thiện hệ thống tiêu hóa. Bên cạnh đó, hạt mít còn giảm được lượng đường trong máu.
Với một tỉ lệ lớn những dưỡng chất như vậy, ăn hạt mít KHÔNG gây nổi mụn. Hơn thế nữa, nó còn rất tốt cho da mặt, giúp duy trì độ ẩm cho da, ngăn ngừa mụn (dựa vào Protein trong hạt mít) và làm da mặt tươi tắn, mịn màng hơn.
3. Bị mụn có nên ăn mít không?
Mít vốn không tốt cho làn da cơ địa nổi mụn, mẩn ngứa, nên khi bạn đã đang bị tình trạng mụn nhọt, tốt nhất là nên hạn chế ăn mít. Nếu có thể ngừng ăn thì càng tốt. Chăm sóc da và điều trị mụn cho đến khi da mặt lành lại thì bạn có thể ăn mít thỏa thích.
4. Sai lầm khi ăn mít sai gây hại cho sức khỏe
4.1. Ăn quá nhiều mít một lúc
Trong mít có chứa nhiều Carbonhydrates (chiếm 92% bảng trong bảng thành phần dinh dưỡng của mít). Vì chứa nhiều chất ấy nên lượng đường Fructose và Sucrose trong mít khá dồi dào. Nó sẽ cung cấp năng lượng tức thời cho hoạt động của bạn. Và nếu sử dụng quá nhiều, lượng đường trong máu sẽ tăng lên, dẫn đến dư đường, lâu ngày có thể tạo ra bệnh Tiểu đường, Béo phì,…
Theo chia sẽ của Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hải, thuộc Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tuy mít giàu dinh dưỡng nhưng không phù hợp những người thường bị mụn nhọt, rôm sảy hay nóng trong người. Hàm lượng đường cao trong mít có thể làm tăng đường huyết đột biến dẫn đến choáng váng và hoa mắt.
Vì vậy, dù có thèm cũng không nên ăn quá nhiều mít một lúc.
4.2. Ăn mít không nhai kỹ
Múi mít dai thường khá cứng và khó nhai. Vì khó nhai nên đôi khi mọi người có xu hướng nhai không kỹ, hoặc nuốt khi chưa nhai hết. Việc ăn như vậy sẽ khiến dạ dày phải làm việc nhiều hơn, đôi khi là không thể tiêu hóa được hết.
4.3. Ăn mít khi đang đói
Không nên ăn mít khi đang đói
Trái với những loại hoa quả sẽ phát huy tác dụng tốt hơn nếu ăn khi đói như cam, dưa hấu, kiwi, mít lại được khuyến cáo KHÔNG NÊN ăn khi đói. Nếu bạn đang đói mà ăn mít thì lượng đường trong máu sẽ đột ngột tăng cao, gây đầy bụng và khó tiêu. Ăn mít khi đói sẽ khiến bạn mệt mỏi và lười vận động vì chướng bụng.
Ngoài ra, bạn cũng không nên ăn mít vào khoảng chiều tối vì trong mít có hàm lượng chất xơ cao, dễ gây ách bụng vào ban đêm.
4.4. Ăn mít với sữa chua
Tuy sữa chua mít là món khoái khẩu của nhiều người nhưng thực chất nó lại không hợp để kết hợp với nhau lắm. Thành phần dinh dưỡng trong mít khi kết hợp với sữa chua đã lên men sẽ tạo cảm giác đầy bụng, khó tiêu cho người ăn. Cảm giác đói bụng và cồn cào tăng lên dễ dẫn tới các bệnh về dạ dày. Do vậy, bạn vẫn nên hạn chế món ăn này.
4.5. Các trường hợp không nên ăn mít
Dù mít có khá nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể ăn mít vô tư. Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, các trường hợp sau không nên ăn mít:
– Người mắc bệnh béo phì: Đối với người béo phì, khả năng tổng hợp đường thành mỡ diễn ra trong cơ thể họ rất nhanh. Nên nếu ăn những món ăn có lượng đường nhiều như mít thì sẽ gây ra tình trạng tích mỡ bụng và làm giảm hiệu quả lưu thông máu.
– Bệnh nhân tiểu đường: Trường hợp này thì nên kiêng hoàn toàn mít. Vì nhưu đã nói, 2 nhóm đường Fructozo và Glucozo trong mít khi được hấp thụ sẽ khiến lượng đường tăng áp đảo. Và điều này thực sự là một đòn đau đối với những bệnh nhân đang trong tình trạng tiểu đường.
– Bệnh nhân bị máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ, suy thận mạn tính: Một hệ quả nữa của lượng đường cao trong mít là khả năng tác động tiêu cực đến gan. Nhiệt lượng từ mít sẽ khiến cơ thể nóng trong. Bệnh nhân gan nhiễm mỡ và máu nhiễm mỡ cần cẩn thận hỏi ý kiến của chuyên gia tư vấn sức khỏe trước khi ăn loại trái cây này.
Các cặp đôi đang muốn mang thai đừng nên ăn mít
– Những người đang muốn mang thai: Nhóm người này cũng nên tránh ăn mít vì chúng có thể làm giảm ham muốn tình dục, giảm cảm giác kích thích tình dục và sức lực ở nam giới.
– Người cơ địa mụn nhọt, rôm sẩy: Hoàn toàn rõ ràng việc nhóm người này nên hạn chế ăn mít do lượng đường vốn đã cao trong máu sẽ là môi trường thuận lợi, tạo điều kiện cho vi khuẩn ngoài da phát triển, như liên cầu, tụ cầu,…
5. Cách ăn mít không gây nổi mụn
- Bạn chỉ nên ăn khoảng 4-5 múi mít, tương đương từ 80-100mg một lần. Như vậy có thể ngăn ngừa được các nguy cơ tăng đường trong máu, nóng gan hay hại thận.
- Khi ăn mít nên ăn từ từ và nhai thật kỹ từng miếng, tránh nhai rối hoặc nuốt chửng.
- Có thể ăn kèm mít với một số những loại hoa quả khác như thanh long, bưởi,… Sự kết hợp này sẽ cung cấp thêm Vitamin cần thiết cho cơ thể và hạn chế nhiệt lượng được tạo ra từ việc ăn mít.
- Để đảm bảo sức khỏe thì bạn chỉ nên ăn mít sau khi đã ăn sáng hoặc trưa khoảng 1-2 tiếng, tránh gây cảm giác ấm ách và khó chịu.
6. Tiết lộ các bước chăm sóc da mụn tại nhà
6.1. Giữ vệ sinh cho da mụn
Muốn giảm được mụn thì cần loại bỏ môi trường phát triển của chúng. Một làn da không được vệ sinh kỹ càng là môi trường phù hợp cho mụn phát triển. Vì vậy cần phải vệ sinh thật tốt, loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn trên mặt. Bụi bẩn dễ gây bí, tắc lỗ chân lông và vi khuẩn là nhân tố gây ra mụn.
Hãy giữ định kỳ tẩy da chết 2 lần/tuần để da được thông thoáng. Và dù có trang điểm hay không, hãy luôn giữ thói quen tẩy trang mỗi ngày để đảm bảo làm sạch da thật kỹ càng.
6.2. Cung cấp đủ ẩm cho da
Cấp đủ ẩm cho da có thể khiến làn da bạn cải thiện rõ rệt
Thiếu ẩm là một trong những nguyên gây ra mụn. Bởi vì da có xu hướng tiết dầu để làm dịu khi da bị khô. Dầu đọng trên da khi tiếp xúc với bụi bẩn là môi trường hoàn hảo sinh mụn. Vì vậy nếu muốn khắc phục tình trạng này thì cần đảm bảo đủ ẩm cho da.
Ngoài ra, khi da được cấp đủ ẩm, da bạn sẽ tươi sáng và mềm mại hơn, Nước cũng sẽ tăng độ đàn hồi cho da.
6.3. Cân bằng độ pH
Độ pH không được cân bằng cũng là nguyên nhân hình thành nên da mụn. Cả môi trường có độ pH thấp và cao đều có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Da bạn có thể bị mất cân bằng pH sau khi bạn sử dụng mỹ phẩm trang điểm và rửa mặt bằng sữa rửa mặt. Bạn có thể dùng Toner hay nước hoa hồng hoặc xịt khoáng để duy trì độ pH ổn định và có một làn da chắc khỏe.
6.4. Sử dụng thuốc hợp lý
Với các trường hợp da mụn theo chiều hướng nặng như mụn bọc, mụn viêm thì cần được sử dụng thuốc đặc trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Đối với các trường hợp mụn do môi trường trong cơ thể, nên dùng các loại thuốc da liễu làm mát gan, tăng khả năng thải độc và loại trừ các loại vi khuẩn không tốt.
6.5. Chọn nguồn thực phẩm lành mạnh cho cơ thể
Thực phẩm lành mạnh cung cấp nhiều dinh dưỡng cho da
Cơ thể khỏe mạnh nói chung và làn da nói riêng được quyết định 70% từ chế độ ăn uống. Các loại thực phẩm chứa nhiều mỡ và chất béo sẽ khiến cơ thể bạn khó khăn hơn trong quá trình trao đổi chất. Da nếu không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng sẽ dễ bị tổn thương hơn. Hãy bổ sung các thực phẩm chứa nhiều Vitamin và chất khoáng, chất xơ để làn da luôn khỏe khoắn và sạch sẽ.
6.6. Chăm sóc da mỗi ngày
Bạn cần chú ý skincare đều đặn hằng ngày để làn da sạch sẽ và ngăn ngừa tối thiểu khả năng gây mụn. Lưu ý tìm hiểu kỹ các sản phẩm skincare cũng như chọn liệu trình phù hợp nhất với làn da của mình.
“Ăn mít có nổi mụn không?” thực sự là một câu hỏi luôn nhức nhối cho các “con nghiện” loại quả mùa hè này. Nhưng sau khi đọc xong bài viết của Sức khỏe mỗi ngày, bạn sẽ không cần phải lo lắng nữa. Chuyên mục Khỏe đẹp sẽ giúp bạn giải đáp bất kỳ thắc mắc nào về những món ăn nào có thể gây nổi mụn hay không. Hãy luôn nhớ để cập nhật thông tin về sức khỏe nhanh nhất nhé!